Văn hóa xã hội

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại!
Ngày đăng 24/04/2025 | 01:25  | Lượt truy cập: 8

11h30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, thời khắc lịch sử cả dân tộc ta mong đợi đã đến, quân ta đánh chiếm Dinh Độc Lập, chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng không điều kiện, cờ giải phóng phấp phới bay trên nóc tòa nhà chính của Dinh Độc Lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Tin chiến thắng vang lên khắp mọi miền Tổ quốc. Chúng ta đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây cũng là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên, khích lệ các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, miền Nam vẫn phải sống dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, toàn thể dân tộc Việt Nam trước sau như một đoàn kết đồng lòng, quyết đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ, hoàn thành cho kỳ được mục tiêu Tổ quốc thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Ở miền Bắc, sau kế hoạch 3 năm (1958 - 1960) cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững chắc cho đấu tranh thống nhất nước nhà, miền Bắc đã hoàn thành về cơ bản công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, căn bản xóa bỏ chế độ bóc lột, bước đầu xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ở miền Nam, cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng Nhân dân ta vẫn một lòng theo Đảng, kiên cường, bất khuất chống áp bức, khủng bố, bảo vệ lực lượng cách mạng. Dù đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai thực thi những chính sách tàn ác như “tố cộng, diệt cộng”, Luật 10/59 để biến miền Nam thành nhà tù, trại giam, khiến cách mạng miền Nam bị dìm trong bể máu, hay những chính sách chiến tranh thâm độc như “Chiến tranh đặc biệt” mà thực chất là dùng người Việt đánh người Việt, “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” nhằm mở rộng chiến tranh, thực hiện chiến tranh hủy diệt, song “Nhân dân Việt Nam quyết không sợ”. Chiến thắng ban đầu của cao trào Đồng Khởi (1959 - 1960) đã làm xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam, tiếp theo đó là những chiến thắng vang dội Ấp Bắc (1963), Bình Giã (1964 - 1965), Ba Gia, Đồng Xoài (1965), Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme, Bàu Bàng… lần lượt làm phá sản các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán.

Ở miền Bắc, quân dân ta tiếp tục đánh trả cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân, giành những thắng lợi lớn trên nhiều mặt, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện sức người, sức của ngày càng lớn cho miền Nam. Với thắng lợi liên tiếp trên chiến trường, nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc bằng máy bay B52 của Mỹ, đỉnh cao là chiến thắng oanh liệt “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chúng ta đã khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris năm 1973 về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta.

Sau khi hoàn thành chuẩn bị chiến lược cả về thế và lực, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được tiến hành từ ngày 4/3/1975 với các chiến dịch: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá chiến lược đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên, chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Cùng với giải phóng trên đất liền, ngày 14/4/1975, các đơn vị ta nổ súng tiến công các đảo thuộc vùng biển phía Nam của Tổ quốc, trong đó có quần đảo Trường Sa, giành lại chủ quyền các đảo vào ngày 29/4/1975. Từ ngày 30/4 đến đầu tháng 5/1975, bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang tiến công, kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân đã giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vùng biển, giải phóng Côn Đảo, Phú Quốc và các đảo ở vùng biển Tây Nam Tổ quốc.

Đánh giá về tầm vóc thắng lợi của sự kiện lịch sử 30/4/1975, Đại hội IV của Đảng (tháng 12/1976) khẳng định: Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc.

Sau khi đất nước thống nhất, nước ta phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh để lại. Dù muôn trùng khó khăn, chúng ta vẫn kiên cường bảo vệ vững chắc lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam; đồng thời bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, khủng hoảng kinh tế xã hội diễn ra gay gắt, tỷ lệ lạm phát có khi lên đến 774,7%, đời sống Nhân dân hết sức khó khăn, thiếu lương thực triền miên, khoảng ¾ dân số sống ở mức nghèo khổ.

Phát huy tinh thần yêu nước, tự lực tự cường cùng ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thuận lợi, thời cơ, sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi Mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư. Năm 2024, quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt hơn 11.500 tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193. Nhiều công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn được đầu tư, nâng cấp, bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn, các vùng miền trong cả nước và giao thương quốc tế. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ước đạt 17,6 triệu lượt. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực: kinh tế số, kinh tế xanh đóng vai trò ngày càng quan trọng. Các lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng, trong đó công nghiệp phục hồi tích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc của Việt Nam xếp thứ 54/143, chỉ số phát triển bền vững (SDGs) xếp thứ 54/166. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường trên nhiều mặt. Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 12 nước đối tác chiến lược toàn diện, trong đó đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, với sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, kinh tế - xã hội của Hà Nội liên tục đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2024, Hà Nội đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Quý I/2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính tăng 7,35% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao trong 5 năm gần đây; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý cao nhất cả nước, đạt 14,3 nghìn tỷ đồng, tăng 43,8%; thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ 3 cả nước, đạt 1,4 tỷ USD, tăng 49,5%; an sinh xã hội được đảm bảo. Hà Nội còn là địa phương đi đầu trong thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế “luồng xanh”, “làn xanh” nhằm đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện phân cấp, ủy quyền triệt để, giảm thiểu các bước trung gian nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 8%, tạo đà cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, biến những thành tựu vẻ vang trong quá khứ thành động lực để hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam./.

Nhiệt liệt chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)!
UBND XÃ BẮC PHÚ TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN CỬ TRI NHÂN DÂN TRONG XÃ VỀ PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ
Ngày đăng 20/04/2025 | 02:57  | Lượt truy cập: 31

Thực hiện Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, UBND xã Bắc Phú đang triển khai tổ chức lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Cụ thể, phương án sắp xếp sẽ bao gồm việc sáp nhập một số xã, gồm các xã: Tân Hưng, Bắc Phú, Việt Long, Xuân Giang, Đức Hoà, Xuân Thu, Kim Lũ . Sau khi sắp xếp, đơn vị hành chính mới sẽ mang tên: Đơn vị hành chính có tên gọi là ĐA PHÚC .

UBND xã Bắc Phú đã phát hành Phiếu lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình cho các thôn, khu, gửi đến từng hộ gia đình để đại diện hộ thực hiện việc ghi ý kiến, nhằm đảm bảo tính dân chủ, khách quan và đúng quy trình theo quy định của pháp luật. Phiếu gồm các lựa chọn về việc Đồng ý hoặc Không đồng ý với phương án sắp xếp và tên gọi mới của đơn vị hành chính.

Người dân cần lưu ý:

Mỗi phiếu chỉ dùng cho 01 đại diện hộ gia đình.

Ghi đầy đủ thông tin và đánh dấu rõ ràng vào các ô tương ứng để thể hiện ý kiến cá nhân và ký tên vào phiếu của mình.

Phiếu sẽ không hợp lệ nếu đánh dấu cả hai ô (đồng ý và không đồng ý) hoặc không đánh dấu ô nào.

Việc tổ chức lấy ý kiến lần này có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tinh thần dân chủ, đồng thuận trong cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền địa phương ngày càng tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Đề nghị toàn thể cử tri và nhân dân tích cực tham gia, đóng góp ý kiến một cách trung thực, khách quan vì sự phát triển chung của địa phương.

Xã Bắc Phú triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và thông qua HĐND xã về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn
Ngày đăng 19/04/2025 | 08:39  | Lượt truy cập: 45

Ngày 18/4/2025, UBND xã Bắc Phú đã ban hành và triển khai Kế hoạch Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và thông qua HĐND xã về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

 

 

Huyện Sóc Sơn thành lập 5 đơn vị hành chính cấp xã
Ngày đăng 19/04/2025 | 08:30  | Lượt truy cập: 36

Sáng 19-4, UBND huyện Sóc Sơn tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai một số nội dung công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

ss.jpg
Sơ đồ 5 xã mới của huyện Sóc Sơn. Ảnh chụp màn hình

Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội, huyện Sóc Sơn thành lập 5 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Đơn vị hành chính xã Sóc Sơn có diện tích tự nhiên 68,59km2, quy mô dân số 116.932 người.

Địa giới hành chính gồm toàn bộ diện tích và dân số thị trấn Sóc Sơn và các xã: Tân Minh, Phù Linh, Tiên Dược, Đông Xuân, Phù Lỗ và phần lớn diện tích và toàn bộ dân số xã Mai Đình (không bao gồm phần diện tích trong Sân bay quốc tế Nội Bài), một phần diện tích xã Quang Tiến (Khu công nghiệp Nội Bài). Dự kiến đơn vị hành chính xã Sóc Sơn đóng tại trụ sở Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Sóc Sơn hiện nay.

Đơn vị hành chính xã Nội Bài có diện tích tự nhiên là 51,25km2, quy mô dân số 69.293 người, bao gồm toàn bộ diện tích và dân số của các xã: Thanh Xuân, Hiền Ninh, Phú Cường, Phú Minh; phần lớn diện tích và dân số xã Quang Tiến (không bao gồm khu vực Khu công nghiệp Nội Bài); một phần diện tích xã Mai Đình (khu vực sân bay Nội Bài hiện trạng). Dự kiến trụ sở đặt tại UBND xã Thanh Xuân hiện nay.

Đơn vị hành chính xã Kim Anh có diện tích tự nhiên 52,71km2, quy mô dân số 47.103 người, gồm toàn bộ diện tích và dân số của các xã: Minh Phú, Minh Trí, Tân Dân. Dự kiến trụ sở đặt tại UBND xã Minh Trí hiện nay.

Đơn vị hành chính xã Đa Phúc có diện tích tự nhiên 55,27km2, quy mô dân số 81.235 người, gồm toàn bộ diện tích và dân số của các xã: Tân Hưng, Bắc Phú, Xuân Giang, Việt Long, Đức Hòa, Xuân Thu, Kim Lũ. Trụ sở sẽ đặt tại UBND xã Xuân Giang hiện nay.

Đơn vị hành chính xã Trung Giã có diện tích tự nhiên 77,82km2, quy mô dân số 58.996 người, bao gồm toàn bộ diện tích và dân số của các xã: Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ, Trung Giã. Trụ sở mới đặt tại UBND xã Hồng Kỳ hiện nay.

Hội đồng nhân dân xã Bắc Phú tổ chức kỳ họp thứ 11, HĐND xã khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026
Ngày đăng 18/04/2025 | 03:55  | Lượt truy cập: 35

Ngày 18/4/2025, Hội đồng nhân dân xã Bắc Phú tổ chức kỳ họp thứ 11, HĐND xã khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 để thông qua quyết toán ngân sách nhà nước xã Bắc Phú năm 2024. Về dự kỳ họp có đồng chí Lê Minh Xuân- Bí thư Đảng ủy xã, đ/c Nguyễn Văn Duyên - phó bí thư thường trực Đảng uỷ, chủ tịch HĐND xã, đ/c Nguyễn Hữu Hùng - phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã và các ông bà đại biểu HĐND xã khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026. Kỳ họp đã nhất trí thông qua quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước xã Bắc Phú năm 2024 theo tờ trình của UBND xã.

Bản đồ hành chính